Tiểu sử Lý_Thần_phi_(Tống_Chân_Tông)

Chương Ý Hoàng hậu Lý thị, nguyên quán ở Hàng Châu, tổ phụ là Lý Diên Tự (李延嗣), làm chức Chủ bộ (主簿) của huyện Kim Hoa. Cha là Lý Nhân Đức (李仁德), sau phong chức Tả ban điện trực (左班殿直). Khi còn nhỏ, Lý thị nhập cung, sau hầu hạ Lưu Mỹ nhân, tính tình cẩn trọng, được Tống Chân Tông cho làm Nữ quan, chức Ti tẩm (司寢)[1].

Theo truyền thuyết, Tống Chân Tông đang sủng ái Lưu Mỹ nhân và muốn lập làm Hoàng hậu, nhưng quần thần nhận thấy Lưu Mỹ nhân xuất thân hàn vi, cật lực phản đối. Chân Tông lo lắng, ngày đêm không yên, gặp lúc đó Lý thị gặp được mộng tiên nhân, báo rằng sẽ sinh long thai kỳ tử. Chân Tông cùng Lưu Mỹ nhân bèn nghĩ ra kế sách Tá phúc sinh tử (借腹生子), nghĩa là "Mượn bụng sinh con trai", tuy nhiên Tống sử cùng nhiều sách khác lại nói đây là chủ ý của Lưu Mỹ nhân, không đề cập đến chủ ý từ Chân Tông[2]. Sau một đêm hầu ngủ cho Chân Tông, Lý thị có thai, Chân Tông bèn ban cho bà một cây trâm thoa bằng ngọc. Có lần, Lý thị tùy Hoàng đế lên một lầu đài, ngọc thoa bị rơi, Chân Tông cầu rằng:「"Nếu thoa còn nguyên, tất sinh Quý tử"」, khi cho người xuống dâng lên lại thì cây thoa vẫn còn nguyên[3].

Năm Đại Trung Tường Phù thứ 3 (1010), ngày 14 tháng 4 (tức ngày 12 tháng 5 dương lịch), Lý thị sinh ra một Hoàng tử, đặt tên là Triệu Thụ Ích (赵受益), nhưng Tống Chân Tông tuyên bố là do Lưu Mỹ nhân sinh ra[4], Lý thị được phong Sùng Dương huyện quân (崇暘縣君). Sau đó bà mang thai được một công chúa, được phong lên Tài nhân, nhưng công chúa yểu mệnh qua đời, truy phong là Huệ Quốc công chúa (惠國公主). Về sau, Lưu Mỹ nhân được lập làm Hoàng hậu, Lý thị được nâng lên tước Uyển nghi (婉儀)[5]. Địa vị của bà lúc đó hơn Thẩm Tiệp dư (沈婕妤), ngang với Tào Sung viên (曹充媛) và dưới Dương Thục phi.